“Tôi luôn biết trong huyết quản của
mình chảy dòng máu Nam Sudan, dù tôi chưa một lần thực sự được tới đó”. Cầu thủ
22 tuổi kể lại trong một buổi phỏng vấn. Thực tế, Mabil phải xa quê từ nhỏ để sống
trong trại tị nạn Kakuma.
Kakuma là khu vực tị nạn lớn thứ 2 tại
Kenya và thứ 3 thế giới là nơi ở của 180.000 người đến từ nhiều quốc tịch khác
nhau. Bất chấp những đầu tư của những nhà hảo tâm, cuộc sống nơi đây vẫn chẳng hề
dễ chịu với những ngôi nhà tạm bợ, thiếu nước và đồ ăn như chính Mabil chia sẻ:
“Đó là nơi tồi tệ. Mỗi chuyến đồ ăn được cấp bởi Liên Hợp Quốc, chúng tôi phải
dùng trong vòng 2 tuần. Với một gia đình bao gồm 10 thành viên, thật quá khó
khăn”.
Dù vậy, trong những nơi tưởng chừng
tối tăm nhất luôn luôn có niềm tin, đặc biệt là với một cậu bé giàu đam mê như
Mabil.
Được tuyển vào đội bóng trẻ của trại
tị nạn và chỉ dẫn bởi cựu VĐV chạy Olympic James Chiengjiek và Yiech Biel, tài
năng của Mabil sớm được dung dưỡng và phát triển. Tất nhiên, không có thành
công nào đến mà không phải đánh đổi. Với Mabil, cậu đã bỏ vào quá khứ hàng trăm
giờ tập luyện chân trần trên những mặt sân nứt nẻ cũng như đi bộ hàng chục km
chỉ để mong được xem một trận bóng đỉnh cao.
Và may mắn đã đến, năm 2006, Mabil
có cơ hội chuyển đến Australia dưới sự bảo hộ của một người thân. Một thế giới
khác mở ra với cậu nhóc 11 tuổi. Tất cả đã thay đổi, tất nhiên, trừ tình yêu với
trái bóng. Nhanh nhẹn, mạnh mẽ và vô cùng rắn rỏi, Mabil nhanh chóng khẳng định
bản thân trước khi được nhận vào một học viện phía Nam xứ chuột túi.
Tại đây, luôn có học bổng cho những
chân sút trẻ được coi là xuất chúng, và năm 2011, chàng trai đến từ Nam Sudan
đã có trong tay vinh dự đó. Khi ấy, từng chữ trong câu nói của người thầy đầu
tiên Yiech Biel, “với đôi chân các cậu có thể thay đổi thế giới”, hẳn vẫn in
sâu trong tâm trí của Mabil.
Có thể hiện tại, Mabil chưa thể làm
những điều lớn lao cho thế giới. Nhưng với cuộc đời bản thân, chàng trai 22 tuổi
đã biến khác nhờ một đam mê cháy bỏng.
Tài năng của Mabil nở rộ và tươi
sáng đến mức cựu thủ thành Australia đã vui sướng trao cho cậu một khoản hỗ trợ
không nhỏ đến từ Quỹ hỗ trợ mang tên chính mình. Vào thời điểm ấy, Mabil vừa có
trận đá chính đầu tiên cho Adelaide United, ở 17 tuổi 61 ngày, trẻ thứ hai
trong lịch sử A-League.
Nói về cậu học trò, HLV John Kosmina
mô tả: “Hãy nhìn cậu ấy (Mabil). Nhanh nhẹn, kỹ thuật và qua người cực tốt. Cậu
ấy như sinh ra để đá cánh vậy”.
Sau khi tăng 800 lần khoản lương kiếm
được sau bản hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên, Mabil có những bước thăng tiến
chóng mặt. Đóng vai trò quan trọng giúp Adelaide giành được chiếc cúp của Liên
đoàn bóng đá Australia, Mabil được vinh danh trong hạng mục “cầu thủ U20 xuất sắc
nhất năm” và có cơ hội thử việc tại Ajax vào tháng 1/2015.
Ít tháng sau, Mabil chuyển sang nhà
vô địch Đan Mạch Midtjyland với bản hợp đồng kỷ lục trong lịch sử A-League với
trị giá lên tới 815.000 Euro. Mabil chính thức trở thành hiện tượng của bóng đá
quốc gia châu Đại Đương. Mabil mất 3 tháng để có trận ra mắt trước khi được ra
sân trong cuộc đối đâu với Napoli tại Europa League khi chưa bước sang tuổi 20.
“Việc cố gắng và được chơi bóng ở môi trường đỉnh cao là rất quý giá với tôi”.
Mabil cho biết. Lúc này, cầu thủ chạy cánh gốc Phi đang thi đấu cho Pacos de
Ferreira theo dạng cho mượn.
Chỉ mất 9 năm để cậu bé tị nạn Mabil
bước ra ánh sáng. Nhưng tham vọng của cậu vẫn còn hơn thế. Trước mắt là được
hít thở trọn vẹn bầu không khí World Cup.
“Tôi như đang có một cuộc sống hoàn
toàn khác, không còn phải chui rúc vào những nơi chật chội và đi hàng giờ để
xem một trận bóng. Tôi nhớ khi đó là World Cup 2006, và tôi thậm chí chẳng còn
là fan của đội nào bởi lúc đó đang mải dán mắt vào màn hình”. Mabil hồi tưởng.
Awer Bul Mabil có tên trong danh
sách tuyển Australia tham dự trận đấu
với Syria nhưng không được gọi khi Socceroos tham dự trận cuối vòng play-off gặp
Honduras. Và lúc này, cầu thủ 22 tuổi lại cần phải cố gắng hết sức, như cách
anh đã từng làm rất nhiều lần trong quá khứ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét