Sống như thế - Gareth Barry (phần cuối)

Sự chia tay và những danh hiệu đến muộn

Dù cả lý trí và con tim đã không còn thuộc về Villa nữa nhưng với thái độ chuyên nghiệp, Barry vẫn tiếp tục thi đấu thêm 1 năm nữa cho câu lạc bộ.  Và rồi cuối mùa giải năm đó, không gì có thể níu kéo được chàng trai ấy nữa, anh ra đi… Anh chuyển đến đội bóng nửa xanh thành Manchester. Vào thời điểm ấy, dòng tiền từ những ông chủ Ả Rập đang đổ ồ ạt vào The Citizens (biệt danh của câu lạc bộ Manchester City). Năm đó, bên cạnh Barry, rất nhiều cái tên đình đám như Carlos Tevez, Emmanuel Adebayor, Kolo Toure hay Patrick Viera đã cập bến Manchester City. Một bản kế hoạch vô cùng chi tiết đã được huấn luyện viên Mark Hughes vẽ ra và nó đã thuyết phục được tất cả mọi người. Anh hiểu The Citizens đang có bước chuyển mình vô cùng mạnh mẽ và hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng các danh hiệu lớn với những thế lực tồn tại lúc bấy giờ. Không một ai có thể đoán được tương lai nhưng quyết định của Barry, theo thời gian lại chứng minh rằng anh đã đúng…

Bốn năm ở đây, Barry đã dành được hai danh hiệu quan trọng nhất của bóng đá Anh, đó là chiếc Cup FA vào năm 2011 và đặc biệt là chức vô địch Ngoại hạng Anh vào năm 2011- 2012. Một chiếc cúp được nhiều người đánh giá là gay cấn nhất trong lịch sử của hạng đấu cao nhất nước Anh. Quay thời gian về với năm 2012, khi ấy, sau vòng 37, hai đội bóng thành Manchester cùng có 86 điểm nhưng City dẫn đầu bảng nhờ cách biệt về hiệu số mà chẳng thể khoar lấp trong vòng đấu cuối cùng. Chỉ cần giành chiến thắng trước đội bóng đang “ngụp lặn” là Queen Park Rangers, Manchester City sẽ có được chức vô địch lần đầu tiên sau 44 năm. Thế nhưng, có lẽ do áp lực đến không đúng lúc đè nặng lên đôi chân của các cầu thủ, City lại để cho đội khách vượt lên dẫn trước 1 bàn. Phải đến phút 90, Edin Dzeko mới gỡ hòa cho The Citizens bằng một pha dứt điểm bằng đầu chẳng thể cản phá. Áp lực được giảm xuống phần nào. Tuy nhiên, vẫn phải cần thêm 1 bàn thắng nữa để chạm đến vinh quang. Thời gian chầm chậm trôi đi. Phút 90+4, trên sân Etihad, đón quả bóng từ cú gạt chân của Balotelli, Sergio Aguero tinh tế đưa trái bóng đi thêm một nhịp vượt qua đôi chân của hậu vệ Taye Taiwo và tung cú sút làm cháy lưới của Queen Park Rangers. Thế là xong! Cả cầu trường như nổ tung, Barry vỡ òa trong niềm hạnh phúc vì anh cũng có mặt trong đội hình xuất phát ngày hôm ấy. Đó chính là ngày đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của anh. Chiếc cúp Ngoại hạng Anh đầu tiên (và có lẽ là duy nhất) đã đến với Barry một cách đặc biệt như thế. Nó đến như một sự công nhận cho những đóng góp không biết mệt mỏi của anh trên thảm cỏ của hạng đấu cao nhất nước Anh.



Khi cái tuổi 30 đến rồi qua, đó cũng là lúc các cầu thủ bắt đầu bước vào nửa kia của sự nghiệp. Thời gian trôi đi đã tàn nhẫn lấy mất tốc độ của Barry. Với anh, giờ đây, sự xông xáo, hăng say của tuổi trẻ đã được thay bằng kinh nghiệm dạn dĩ. Người ta không còn bắt gặp hình ảnh một anh chàng vùng Hastings cao lớn chạy khắp mặt sân nữa mà là một Barry chững chạc hơn trong phong cách thi đấu như chính tuổi đời của anh. Bằng nhãn quan tinh tế, Barry dù di chuyển ít hơn nhưng vẫn có mặt ở hầu hết những điểm nóng ở trên sân. Hiện tại, Barry đang chơi những mùa bóng cuối của sự nghiệp tại vùng Merseyside nhưng không phải tại Lữ đoàn đỏ Liverpool mà là ở “kẻ thù” cùng thành phố của họ là Everton. Ở cái tuổi 36, trong khi người bạn Gerrard đã không còn thi đấu, thì Barry vẫn miệt mài để xây dựng chỗ đứng vững chắc tại một đội bóng có thực lực như Everton. Anh là đội phó và vẫn được thi đấu thường xuyên dù chơi ở vị trí của anh có tài năng trẻ đang rực sáng Tom Davies hay bản hợp đồng bom tấn Morgan Schneiderlin.



“Chiến binh không mỏi” Gareth Barry
Kể từ khi hạng đấu cao nhất nước Anh chính thức mang tên Premier League (Ngoại hạng Anh) vào năm 1992, nhắc đến những tiền vệ tài năng nhất từng thi đấu tại đây, có lẽ những cái tên như Steven Gerrard, Frank Lampard hay Paul Scholes sẽ được đề cập đến đầu tiên chứ không phải Gareth Barry. Barry là một mẫu tiền vệ người Anh cổ điển và anh vẫn còn thiếu chút gì đó bùng nổ để vươn tới hàng ngôi sao. Nhưng ở Barry, anh có sự ổn định đến đáng kinh ngạc. “Người không phổi” là biệt danh mà người ta hay dùng để ưu ái gọi cho tiền vệ tài hoa Frank Lampard nhưng họ đâu để ý Barry mới là người duy nhất thi đấu trên 30 trận trong tất cả các mùa giải từ năm 1998 đến nay (chỉ trừ mùa giải 2001-2002 anh chơi 20 trận do gặp phải chấn thương). Và nên nhớ chính Barry cũng đã phá kỷ lục của Frank Lampard để trở thành cầu thủ trẻ nhất thi đấu đủ 300 trận tại Ngoại hạng Anh khi mới 26 tuổi 247 ngày. Vào ngày 12/05/2016, hơn 18 năm kể từ thời điểm chàng trai trẻ Gareth Barry lần đầu xuất hiện trên sân bóng của nước Anh, anh đã trở thành cầu thủ có mặt trong đội hình xuất phát nhiều nhất trong kỷ nguyên Ngoại hạng Anh vượt qua kỷ lục cũ của thủ thành David James (571 lần) và con số này vẫn chưa dừng lại. Các nhà bình luận hay các chuyên gia giờ đây khi nhắc đến Barry cũng phải dành cho anh những sự tôn trọng nhất định. Sao không tôn trọng được chứ bởi những đóng góp không ngừng nghỉ của anh và chỉ cần thêm 16 trận đấu nữa thôi, anh sẽ chính thức vượt qua huyền thoại Quỷ đỏ Ryan Giggs để trở thành cầu thủ thi đấu nhiều trận nhất tại Ngoại hạng Anh.

Để bày tỏ sự ngưỡng mộ với Barry, tôi xin phép không gọi anh là “người không phổi”. Tôi gọi anh là một chiến binh – một chiến binh thực thụ!

Tạm kết
Theo dòng chảy của thời gian, một ngày không xa người hâm mộ sẽ chẳng còn được bắt gặp những bước chạy điểm tĩnh của Barry nữa. Nhưng lịch sử bóng đá nước Anh đã khắc cái tên Gareth Barry lên đó và chắc chắn một bộ phận không nhỏ người hâm mộ sẽ mãi nhớ đến anh. Barry – chàng chiến binh không biết mỏi vùng Hastings!

Admin

Chào bạn, rất vui vì bạn đã ghé thăm blog của tôi. Rất mong bạn sẽ có được những kiến thức hữu ích tại đây. Chúc bạn ngày mới vui vẻ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét